Cảm ơn bạn 2015 đã dạy cho mình nhiều thứ.
Ông thầy thứ 1 là Thất Tình thì dù không gặp nhưng cũng gián tiếp làm mình lao đao.
Ông thứ 2 là Thất Tiền Thất Tài thì có mát tay hơn chút, vì giúp mình lo hết mấy món nợ lặt vặt. Giờ khỏe lắm, chỉ cần lo trả 1 món nợ bự duy nhất thôi :))
Ông thứ 3 là Thất Bại thì hành xác khỏi nói rồi. Đóng học phí quá trời nên ổng cũng dạy có tâm ghê. Nhiều lúc làm 60 tiếng 1 tuần cũng hổng si nhê, thấy ổng hoài. Đối với ổng, 99% thành công là tài năng, mô hôi và nước mắt nhưng nếu thiếu 1% may mắn thì cũng phải nỗ lực lại từ đầu. Mần riết mà tuổi càng ngày càng lên, tên càng ngày càng chìm.
Cơ mà học nhiều mà không ôn tập thì cũng dễ quên. Nên giờ đứng lại một chút và viết về những gì mình đã chọn cho đời mình năm vừa rồi. Sống là lựa chọn mà. Dòm lại mà thấy vui thì cứ hướng đó mà chọn tiếp. Dòm lại mà thấy buồn thì học chọn tốt hơn thôi.

First abroad trip

Bữa đi Thái, bạn tình cờ chụp được tấm này. Nhìn qua vài lần cũng không có ấn tượng nhiều, nhưng ngẫm kĩ lại thích.
Mọi thứ dường như đang di chuyển, có mỗi mình mình đứng chờ và ngoái nhìn như sợ sệt; y như tuổi 20 non nớt của mình khi nghĩ về những chuyến đi.
Ai coi loạt hoạt hình Madagascar chắc nhớ sư tử Alex. Cả đời sống ở sở thú nên tưởng thế giới này chỉ xoay quanh cái vườn thú New York đó thôi. Khi bước ra khỏi tường rào sở thú, Alex mới thấy cuộc sống ngoài kia hung dữ và đáng sợ biết bao nhiêu. Nhưng trong hành trình đó, Alex tìm lại được gia đình, tìm được nhiều bạn mới, và nhất là trải nghiệm được cuộc sống hoang dã rộng lớn, tự do và phóng khoáng…
Đi Thái 2 lần, nhưng đợt vừa rồi là có nhiều trải nghiệm hơn cả. Được thấy nhiều hơn, cảm nhận nhiều hơn và suy nghĩ nhiều hơn. Đi khỏi lũy tre làng Việt Nam, mới thấy ngoài kia nhiều thứ mới lạ, nhiều thứ để học và làm quá đi mất. Hối hận là nhận ra điều này hơi muộn, và đã bỏ lỡ những năm tháng tuổi trẻ chỉ quanh quẩn vùng an toàn của mình.
Developer-turned-Manager
Từ khi làm quản lý, mình học được nhiều thứ về business, đặc biệt là khi làm business theo chuẩn của người Nhật. Trong các thứ học được thì có 2 khó khăn lớn nhất là thiết lập quy chuẩn cho nhóm và họp hành.
Về thiết lập quy chuẩn thì đau đầu ở chỗ mình muốn cân bằng giữa hiệu suất và tính thân thiện, nhằm đảm bảo cho nhóm có thể tự quản tự phát triển mà vẫn đáp ứng tốt công việc được giao khi không giám sát. Qua nghiên cứu và nghe ngóng từ các cao nhân khác thì mình đang có 4 giải pháp. Chúng vẫn đang được phối hợp thử nghiệm để tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho cơ cấu nhóm hiện tại:
- Skill-based goals: họp nhóm 1-on-1 với mỗi thành viên và cùng họ đặt ra mục tiêu nghề nghiệp cho bản thân. Khi biết cái họ quan tâm thì sẽ dễ dùng nó tạo động lực trong công việc.
- Reward & Recognition: cái này xưa như Trái Đất, nên có cải biên chút bằng công nghệ. Về Reward thì mình thử nghiệm với Bonusly cũng khá vui, tiếc là hiện chưa áp dụng toàn công ty, nên mình tự bỏ tiền túi ra để thưởng những món quà nhỏ khích lệ cho team. Về Recognition thì hễ thành viên trong team có thành tích tốt, mình đều biểu dương công khai hoặc trên các kênh nội bộ của công ty. Đời startup mấy khi vui nên khi có chuyện gì ăn mừng được thì mình cứ thích làm rần rần đi cho bớt khổ.
- Cách của anh Xnohat: cách đặt giới hạn này bị hạn chế bên mình là cần phải đạt được đồng thuận từ mấy sếp Nhật để họ cùng tuân thủ theo.
- Cách của anh [email protected] (chi tiết): cách này thực ra là cách tốt nhất, nhưng chỉ khi startup có đủ lực hút. Sẽ luôn có 4 kiểu nhân viên nên nếu tuyển 1 nhân viên trung bình đã là cướp đi cơ hội của 1 nhân viên tốt rồi. Như 1 influencer mình từng đọc bảo, nếu startup “ngu/lười” thì cứ chơi kiểu “hớt váng trên mặt nước:” lấy mấy bài test của các công ty lớn (Google, Facebook, Uber…) rồi quẳng cho ứng viên làm.
Kế, là chuyện họp hành. Ngay từ lúc bắt tay vào đã gặp cục đá tảng Maker’s schedule, Manager’s schedule.
Nếu bạn là fan của lò YCombinator và Hacker News thì chắc không xa lạ gì bài viết Maker’s Schedule, Manager’s Schedule của Paul Graham. Điểm chính của bài viết có thể được tóm tắt như sau:
- Bất kì công ty nào cũng sẽ có 2 loại lịch trình làm việc: lịch trình ở góc độ người quản lý (Manager’s schedule) và lịch trình ở góc độ nhân viên (Maker’s schedule).
- Manager’s schedule thường là của các sếp, các quản lý, các giám đốc. Họ chia thời gian thành các khung theo giờ.
- Maker’s schedule thường là của các nhân viên thực hiện công việc được giao từ các sếp, các quản lý ở trên. Đại diện có thể kể đến như developer, designer. Họ chia thời gian làm việc theo khung thời gian rộng hơn, ít nhất là nửa ngày, do bản chất công việc đòi hỏi tập trung cao.
- Từ góc nhìn của Manager, họ chia công việc theo giờ là vì thực tiễn từ trách nhiệm công việc của họ: chọn giờ => đặt họp => hết chuyện.
- Tuy nhiên, đối với Maker thì điều đó dễ gây ức chế. Giả sử 1 cuộc họp 30 phút vào 3h chiều sẽ làm phân mảnh lịch trình của 1 lập trình viên, khiến anh không biết phải làm gì trước (1h-3h) và sau cuộc họp (4h30-5h). Hai nửa lịch trình là quá ít để anh ta có thể tập trung sâu và hiệu quả cho công việc của mình. Và thế là, nếu muốn giữ tiến độ công việc thì anh phải làm thêm giờ với năng suất kém hơn. Về lâu dài, các cuộc họp trở thành ác mộng.
- Tất nhiên là mỗi loại lịch trình đều cần thiết và hiệu quả nếu xét riêng lẻ. Vấn đề chỉ phát sinh khi Makers bị cuốn theo Manager’s schedule, vì những người có quyền lực thường nắm giữ vị trí Manager và buộc những người dưới quyền phải nghe theo.
Tất nhiên là không nên tẩy chay họp hành. Bất kì công cụ nào nếu không được sử dụng đúng đắn thì cũng sẽ gây tác dụng phụ thôi. Mấu chốt là tìm được sự thỏa hiệp cần thiết từ Manager để Maker có thể kiểm soát công việc của họ tốt hơn. Đối với Manager, cần tâm lý để sử dụng tốt công cụ họp hành, và tôn trọng Maker nhiều hơn để họ có thể phát huy khả năng tốt nhất. Đối với Maker, cần học cách manage-up để quản lý ngược lại Manager của mình và tìm ra tiếng nói chung cho vấn đề họp hành.
Don’t learn to code; learn to build a product
Hồi giữa năm, mình có chia sẻ về kinh nghiệm bản thân khi chọn công ty để bắt đầu: chọn start-up hay chọn out-sourcing. Đa phần là sự đồng tình với góc nhìn của mình. Có vài ý kiến từ những người trong cuộc làm out-source, nhưng cũng chưa đủ mạnh để đưa ra một khía cạnh hay ho hơn.
Về logic mà nói, các lời khuyên rút ra từ nhận định trong quá khứ đều cần xem xét đến ngữ cảnh. Ngon với mình, chưa chắc bổ cho người khác. Chọn công ty khởi nghiệp sẽ hợp với mình, nhưng lại quá rủi ro và chẳng danh giá cho người khác. Tốt nhất là dùng 1 câu của dân Mỹ, “take my advice with a grain of salt.”
Quay lại lựa chọn của mình thì có 1 vài yếu tố thế này:
- Mình trả lời Hell Yeah hết cho cả 3 câu hỏi của anh Hải An @ SSS.
- Mình muốn trở thành Jack-of-all-Trades (học rộng nhiều thứ, nhiều kĩ năng) trước rồi mới trở thành Expert trong 1, 2 mảng nào đó. Vì mình biết điều này.
- Mình không sợ thất bại trong khoảng thời gian 5 năm đầu. Giờ còn trẻ, cứ học cứ té thì có thêm lửa để đứng dậy ngay và làm lại. Mươi năm nữa, té thì dễ mất lửa, nằm đó lăn lộn lâu lắm mới dậy nổi. Sự nghiệp muốn vững thì lấy ngắn nuôi dài.
- Mình chọn Boss đầu tiên của mình là người nước ngoài để học nhiều về văn hóa và lối suy nghĩ của nền văn hóa đó. Boss đầu tiên của mình là người Nhật, chuyên về kinh tế nên thực sự ông dạy một tên kỹ sư như mình rất nhiều về cách làm business: từ cái nhỏ như việc quản lý bản thân, quản lý team đến cái lớn như về toàn cầu hóa, về tầm nhìn. Dù thấm chưa đủ nhiều để chảnh chọe chi, chỉ cần tiếp xúc với tư tưởng tiên tiến là thấy có động lực siêu bự (vì mình sợ bị dốt lắm @[email protected]).
- Mình chọn văn hóa tích cực và gần gũi. Đi làm cũng tức là dành trọn 1/3 cuộc đời trên công ty rồi. Những người càng gần với mình sẽ dễ ảnh hưởng nên tính cách và suy nghĩ của mình. Vậy chọn vui vẻ, chọn tích cực đi cho đời dễ thương. Đời startup thì mình dễ có ảnh hưởng lên văn hóa công ty hơn.
Thực ra, ai cũng bắt đầu với 2 cái túi khôn cả. Túi khôn May Mắn căng đầy và túi khôn Kĩ Năng rỗng tuếch. Điều quan trọng là chúng ta phải nhớ tích lũy túi Kĩ Năng thật nhiều thật nhanh trước khi xài cạn túi May Mắn.


Read more? Quick thoughts from ?#karmiphucblog on Facebook.
Follow me on Kipalog, or Medium or at my personal Facebook.
Bài viết chia sẻ rất chân thực, cảm ơn anh đã share kinh nghiệm!